Tư Vấn Thi Công & Giám Sát Xây Dựng

Sơ Lược:

Đơn vị chúng tôi là chủ đầu tư xây dựng trụ sở của công ty, quá trình tổ chức thực hiện đấu thầu và lựa chọn nhà thầu đến nay, chúng tôi đã lựa chọn được nhà thầu trúng thầu và đang trong quá trình thương thảo hợp đồng. Tuy nhiên trong quá trình thương thảo hợp đồng có phát sinh các vấn đề xin nhờ Viện Kinh tế xây dựng giải đáp giúp, cụ thể như sau: –

Theo quy định trong HSMT chúng tôi quy định:

+ Về hình thức hợp đồng là: Hợp đồng trọn gói.

+ Về khối lượng thừa thiếu (nhà thầu đề nghị khi lập HSDT) so với tiên lượng mời thầu, chúng tôi yêu cầu nhà thầu lập thành bảng riêng và không tính trong đơn dự thầu.

– Quá trình thương thảo hợp đồng chúng tôi yêu cầu nhà thầu giải trình khối lượng thừa thiếu nêu trong HSDT của nhà thầu trúng thầu. Nhà thầu đã tiến hành giải thích và làm rõ khối lượng thừa thiếu này. Quá trình giải thích và làm rõ chúng tôi và nhà thầu phát hiện khối lượng thừa thiếu theo đề xuất của nhà thầu nêu trong HSDT có sự tăng lên hoặc giảm xuống theo từng khoản mục công việc, ngoài ra nhà thầu còn đề xuất thiếu các khoản mục công việc thi công chưa đưa vào HSDT.

Từ thực tế đó, căn cứ theo yêu cầu của HSMT về hình thức hợp đồng (Hợp đồng trọn gói) và các quy định của pháp luật liên quan khi thực hiện ký kết hợp đồng trọn gói nên chúng tôi thực hiện xác định giá hợp đồng như sau: Giá hợp đồng bao gồm:

Giá trúng thầu (khối lượng theo tiên lượng mời thầu và giá chào thầu của nhà thầu)

+ Giá trị khối lượng thừa thiếu theo đề xuất của nhà thầu nêu trong HSDT

+ Giá trị khối lượng thừa thiếu phát hiện trong quá trình thương thảo hợp đồng không có trong đề xuất của nhà thầu nêu trong HSDT Việc xác định giá hợp đồng theo hình thức hợp đồng trọn gói của chúng tôi như vậy có đúng quy định của pháp luật hay không?

Vì quá trình ký hợp đồng trọn gói hai bên A và B phải xác định được rõ khối lượng, chất lượng, tiến độ… của công việc. Rất mong Cơ quan giúp tôi làm sáng tỏ vấn đề nói trên. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả Lời:

Vấn đề bạn hỏi đã được qui định tại Điều 48 Nghị định 58/2008/NĐ-CP ngày 5/5/2008 Hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng, theo đó “Đối với công việc xây lắp, trước khi ký kết hợp đồng, các bên liên quan cần rà soát lại bảng khối lượng công việc theo thiết kế được duyệt, nếu nhà thầu (bao gồm cả nhà thầu được chỉ định thầu) hoặc chủ đầu tư phát hiện bảng khối lượng công việc bóc tách từ thiết kế chưa chính xác…..”. Như vậy, việc xác định giá hợp đồng như đề xuất của bạn là đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên cần lưu ý:

– Trong trường hợp việc điều chỉnh giá trị khối lượng chào thừa/thiếu làm vượt giá trúng thầu thì cần báo cáo người quyết định đầu tư để theo dõi, kiểm soát đảm bảo cho việc tăng chi phí của gói thầu không làm vượt tổng mức đầu tư dự án được duyệt.

– Trường hợp việc điều chỉnh giá trị khối lượng chào thừa/thiếu không làm vượt giá trúng thầu thì chủ đầu tư tự quyết định làm cơ sở để ký hợp đồng với nhà thầu. 

Sơ Lược:

em thi công 1 công trình đã 5 năm,nay có sự cố,người ta yêu cầu kiểm định lại mác vữa đã xây lên tường,em muốn hỏi có thiết bị nào,hay cơ sở nào để kiểm định lại mác vữa có đúng mác thiết kế hay không,mong mọi người giúp đỡ

Trả Lời:

Chào Bạn!

Xây dựng 2P xin trả lời câu hỏi của bạn

Theo như Xây dựng 2P được biết thì không có biện pháp nào để kiểm định mác vữa.

Sơ Lược:

Tôi hiện đang thi công tại công trình thành phố Thanh Hóa có thi công phần cọc BTCT dự ứng lực kích thước 400×400. Tôi có 2 vấn đề xin hỏi như sau: 1. Hiện nay trong danh mục định mức và đơn giá không có phần chế tạo và thi công cọc BTCT dự ứng lực , vậy tôi xin hỏi cách tính như thế nào? 2. Phần cọc ép âm đơn gía có khác so với ép cọc nổi không? Kính mong trả lời giúp tôi, tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả Lời:

1. Đối với các công tác xây dựng chưa có trong hệ thống định mức đã được công bố hoặc đã có nhưng chưa phù hợp thì Chủ đầu tư tổ chức xây dựng định mức cho các công tác này, như quy định tại Thông tư số 05/2007/Tr-BxD ngày 25/07/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

2. Định mức dự toán xây dựng công trình phần xây lắp công bố kèm theo văn bản số 1776/BXD-VP ngày 16/08/2007 của Bộ Xây dựng có quy định: Đối với trường hợp phải dùng cọc dẫn để đóng cọc âm thì định mức nhân công và máy thi công đóng, ép cọc dẫn được nhân với hệ số 1,05 so với định mức đóng , ép cọc tương ứng và chưa bao gồm công tác sản xuất, chế tạo cọc dẫn.

Sơ Lược:

Cách tính chi phí kiểm định chất lượng công trình đưa vào sử dụng khi lập dự toán.

Trả Lời:

Kính gửi anh Tú,

Xây dựng 2P xin trả lời câu hỏi của anh như sau:

1. Theo thông tư số 16/2008/TT-BXD ngày 11 tháng 09 năm 2008 thì Chi phí chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trìnhđược xácđịnh bằng cách lập dự toán theo Nghị Định 99/2007/NĐ-CP ngày 1/06/2007.

 2. Nghị định 112/2009/NĐ – CP ngày 14 tháng 12 năm 2009 có nêu rõ việc thay thế Nghị định 99/2009/NĐ – CP tại điều 34 trong chương 9 “Điều khoản thi hành.

Sơ Lược:

Thế nào là khối xây phức tạp? (Việc xây tường hộp kỹ thuật có được áp dụng mã hiệu khối xây phức tạp không? Các hộp kỹ thuật ngoài nhà phải xây sau khi đi đường nước trục đứng và kết hợp xây khi lắp dựng giáo hoàn thiện ngoài nhà có được áp dụng mã hiệu khối xây phức tạp không?) 2. Trong bảng chênh lệch vật tư, vật tư khác được tính theo % của vật tư chính. Khi vật tư chính có sự biến động tăng về giá (VD: gạch xây, đá 1×2…) thì giá trị vật tư khác cũng tăng theo. Tuy nhiên, khi thi công công trình, chủ đầu tư có giải thích là có thể giá vật tư chính tăng nhưng giá các vật tư khác phục vụ cho công tác thi công xây lắp đó không tăng nên không duyệt phần tăng giá đó trong bảng chênh lệch vật tư. Điều này có hợp lý không? 3. Hiện nay, trong các văn bản pháp quy của nhà nước về xây dựng, về phía đơn vị thi công chỉ quy định chức danh chỉ huy trưởng. Tuy nhiên, một số đơn vị thi công hiện nay đang dùng một số thuật ngữ thay thế khác như: kỹ sư trưởng, chủ nhiệm công trình, kỹ sư phụ trách … Vậy có thể chấp nhận các thuật ngữ này không và nên hiểu các thuật ngữ này như thế nào? –

Trả Lời:

– Khối xây phức tạp là khối xây không có tên trong định mức dự toán xây dựng công trình, thông thường phải lập biện pháp thi công cụ thể cho từng khối xây phức tạp.

– Khi vật tư chính có biến động tăng giá, vật tư khác được tính bằng tỷ lệ % của vật tư chính trong bảng chênh lệch vật tư không được điều chỉnh tăng theo.

– Các chức danh của đơn vị thi công do người có thẩm quyền quyết định. Trong các quyết định sẽ quy định chức danh, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của từng đơn vị.